Một điểm đáng chú ý của ngõ Trung Yên là triết học ẩm thực của nó. Nếu đi từ đầu Đinh Liệt vào, khách bộ hành sẽ gặp ngay quán phở Sướng. Đi qua hàng phở Sướng sẽ đến ngan Nhàn.
Con ngõ Trung Yên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), dài khoảng 200 mét, là dấu tích còn sót lại của thôn Chung Yên, một đầu nối phố Đinh Liệt, một đầu trổ ra phố Gia Ngư. Lai lịch của ngõ Trung Yên và vùng đất dung chứa con ngõ cũng là lịch sử của một cuộc bể dâu, “thương hải tang điền”.
Theo bản đồ Thăng Long vẽ năm Hồng Đức thời Lê Thánh Tông ở thế kỷ 15, khởi thuỷ của hồ Hoàn Kiếm là một phần của một hồ lớn rất rộng thời xưa. Hồ này thông ra sông Hồng, chia làm làm hai phần gọi là Tả Vọng và Hữu Vọng.
Phần hồ Hoàn Kiếm hiện nay thuộc phần Tả Vọng. Trong khi đó. hồ Thái Cực nằm ở phần Hữu Vọng, ngày nay là đất của khu vực gồm phố Cầu Gỗ, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Bè. Hồ Thái Cực ăn lan tới gần phố Hàng Bè và thông ra hồ Gươm. Đất phố Đinh Liệt và Gia Ngư trước đây chính là lòng hồ Thái Cực.
Có tài liệu ghi rằng hồ Thái Cực còn được gọi là hồ Hàng Đào, là nơi người dân Hà Nội thường đến đánh cá. Gần đó là phố Hàng Gai bán dây gai làm dây câu và làng chài Gia Ngư. Đến cuối thế kỷ XIX, hồ bị dân lấn chiếm, bồi lấp dần và thành bình địa vào thập niên 1920.
Hiện trong ngõ còn ngôi đình Trung Yên được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đình được xây dựng theo hướng Nam trên một mặt bằng hình ống, kiểu kiến trúc tương tự đình Lò Rèn ở phố Lò Rèn hay đình Hoa Lộc Thị ở phố Hàng Đào.
Giá trị nghệ thuật độc đáo của di tích đình Trung Yên được thể hiện trên các di vật trong đình như hoành phi, cửa võng, ngai thờ, bát bảo, hương án, long ngai, cuốn thư… đều được chạm khắc hoa văn nghệ thuật như lưỡng long chầu nhật nguyệt, hoa cánh, cánh hoa sen, dây hoa, vân mây...
Bia đá, chuông đồng, lư hương hầu hết là những hiện vật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Đồ tế tự đều được sơn son thếp vàng làm tăng vẻ uy nghiêm. Các di vật này có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc, nghệ thuật tạo tác qua từng thời kỳ của người Việt.
Tuy nhiên, giá trị vật chất của đời sống dân sinh mới là thứ khiến ngõ Trung Yên trở nên nổi tiếng. Nằm trong vùng lõi phố cổ, kết nối với chợ Hàng Bè đệ nhất sành ăn nên ngõ Trung Yên có đủ điều kiện để trở thành một con đường ẩm thực kỳ thú của một Hà Nội mới mẻ, chỉ khoảng 30 năm trở lại đây.
Trên nền lịch sử trăm năm, vài chục hàng ăn chen chúc trong con ngõ nhỏ, tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp, đông đúc, náo nhiệt và đầy cọ xát. Quán ăn chen quán ăn, lưng người cọ lưng người, tiếng gọi đồ hòa lẫn tiếng gọi đồ, shipper đồ ăn nhanh cạnh tranh giao hàng công nghệ...
Chẳng thiếu món gì trong con ngõ ấy, đồ ướt, đồ khô, đồ chín, đồ tái, đồ ăn chơi, đồ ăn no... đều có đủ. Mỳ vằn thắn, hủ tíu, bún giả cầy, bún đậu mắm tôm, phở bò, phở gà, miến ngan, miến mực, bún cá cứ gọi là tít mù cung thang, nhất là vào những khung giờ cao điểm ăn uống như sáng, trưa, chiều, sẩm tối…
Một điểm đáng chú ý của ngõ Trung Yên là triết học ẩm thực của nó. Nếu đi từ đầu Đinh Liệt vào, khách bộ hành sẽ gặp ngay quán phở Sướng. Nghe cái tên sao mà sướng thế, nhất là khi được ngồi trong quán nhỏ như mắt muỗi mà chén bát phở tái gầu, mặc kệ bao kẻ sốt ruột bỏ Sướng tìm đến phở Vui ở phố Hàng Giày.
Đi qua hàng phở Sướng sẽ đến ngan Nhàn. Đây là quán ngan nổi tiếng nhất nhì Hà Nội. Thứ nhất là bởi ngan của Nhàn thường được cánh sành ăn khen ngợi. Thứ hai vì Nhàn đanh đá, khiến cho cái câu chuyện Nhàn chửi khách làm dậy sóng mạng xã hội hay truyền thông không biết bao lần.
Kế ngay ngan Nhàn là quán bún cá cây si của bà Sâm. Hồi xưa, bà Sâm bán bún cá ở gốc cây si chợ Hàng Bè. Chợ tan, quán vỡ nên di chuyển vào đây, vẫn giữ cái thương hiệu đã ăn chết trong lòng khách quen là Bún cá Sâm cây si, đọc nhanh như thể bún cá “sân si” vậy.
Bún cá ở đây khác với những nơi khác là dùng cá rô chiên giòn để làm nhân, thay vì dùng cá quả. Bún cá với nước dùng chua nhờ cà chua và dứa, cá rô rán giòn và rau cải xanh tạo nên thứ bún độc đáo, không giống canh bánh đa cá rô cũng chẳng giống bún cá thường.
Từ Sướng đến Nhàn rồi lại Sân Si hay theo hướng ngược lại từ Gia Ngư vào để trải hết Sân Si mới hưởng cảnh Sướng, Nhàn tuỳ lựa chọn của mỗi người. Chỉ cần biết rằng, dù đi hướng nào thì cũng được ăn ngon.